Thành phần Sate kambing

Dê là một loài động vật thuần hóa được tiêu thụ rộng rãi ở Indonesia. Có thể dễ dàng nhìn thấy chúng đi lang thang khắp các ngôi làng ở quốc gia này và dê cũng được nuôi làm gia súc.[2] Ở một đất nước có hầu hết dân chúng theo đạo Hồi, thì thịt dê hoặc thịt cừu là một trong những loại thịt được ưa thích nhất. Dê và cừu bị giết thịt trong ngày lễ Hồi giáo Eid ul Adha, do đó các món dê/cừu như sate kambing (sate dê) và gulai kambing (cà ri cừu) thường được tiêu thụ trong lễ hội.

Hầu hết các bộ phận của thịt dê đều có thể được sử dụng để làm món sate kambing, mặc dù thành phần chính của món ăn là chân sau.[2] Một số biến thể có thể dùng nội tạng để chế biến, chẳng hạn như sate hati kambing sử dụng gan dê và sate torpedo sử dụng tinh hoàn dê, được cho là có đặc tính kích dục.[3][4] Ngoài ra, điểm đặc biệt của món ăn này chính là thịt cừu sau khi xẻ thịt tuyệt đối không được rửa với nước tránh việc thịt bị lên mùi rất khó ăn.[5]

Các loại xiên dùng để nướng sate thường to hơn và dày hơn và được làm từ tre, so với các loại xiên mỏng hơn dùng cho sate gà thường được làm từ phần giữa sườn của lá dừa. Điều này tương ứng với độ dày và kết cấu của thịt dê, dai hơn thịt gà. Để tránh bị cháy, xiên thường được ngâm trong nước trước khi dùng. Thịt cừu xiên sau đó được tẩm gia vị trước khi cho lên bếp nướng than gỗ. Các nguyên liệu nêm bao gồm dứa xay nhuyễn, nước tương ngọt, hành tím đất và riềng.[1] Trong các nhà hàng hoặc quán ăn đường phố (warung), sau khi khách hàng đặt món thì sate kambing sẽ được làm rồi đem đi nướng.

  • Kambing sate sống (sate cừu)
  • Kambing sate sống đang nướng
  • Sate kambing sắp nướng xong
  • Sate kambing chín (phải) có màu đậm hơn so với sate gà (trái)
  • Sate hati kambing, sate gan dê